Chiều 4/6, phòng cấp cứu ở khoa Bỏng bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội chật kín người. Ngoài người nhà của bệnh nhân, còn có các cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến chăm sóc cho đồng đội. Phạm Văn Phúc (22 tuổi), một trong số 25 cảnh sát chữa cháy có mặt đầu tiên tại cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo, nằm trên giường bệnh với mặt và hai cánh tay cuốn kín băng.
Anh kể, khoảng 13h30 chiều 3/6, nghe báo động anh cùng đồng đội lên xe lao tới hiện trường. Lúc này ngọn lửa đã bốc cao ngùn ngụt, khói cao thành cột. Cả trạm xăng, quán cơm và nhiều phương tiện gần như chìm trong biển lửa. Anh và đồng đội dùng vòi rồng hối hả phun vào đám cháy. Sau gần 3 tiếng ngọn lửa được khống chế. Phúc và đồng đội lại gần xe téc múc xăng để hạn chế việc chảy tràn ra phố. Tuy nhiên, ngọn lửa từ xe téc bất ngờ bùng trở lại. Phúc bị lửa táp thẳng vào người. "Mặt nóng rực, tôi chỉ biết cúi mặt té nước dưới đường lên. Chạy được 10 mét thì được đồng đội dìu ra", Phúc nói. Trong số 10 người phải đưa vào viện cấp cứu, Phúc và chiến sĩ Phạm Văn Phong bị bỏng đến 20%. Từng tham gia chữa cháy nhiều như vụ 36 nhà gỗ ở đường Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm), cháy cửa hàng nội thất 114 Âu Cơ..., Phúc kể, vụ cháy trạm xăng lần này là "khủng khiếp chưa từng có".
Tỉnh táo nhất trong số những người được đưa vào viện, Nguyễn Như Hùng (25 tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội) bị bỏng 8%. Khi ngọn lửa bùng lên lần thứ hai, Hùng đang hứng xăng từ téc chảy ra để đổ vào phi. Lường trước ngọn lửa có thể bùng trở lại bất cứ lúc nào nhưng Hùng bảo, vẫn không tránh khỏi bỏng vì lửa lan quá nhanh. "Xăng trong téc lúc đó khá nóng...", Hùng kể. Bên giường bệnh với chi chít thiết bị điện tâm đồ, dây ôxy gắn lên người, cảnh sát trẻ Nguyễn Hoàng Anh kể, suốt2 tiếng đầu, anh cùng các chiến sĩ ra sức dùng nước làm mát bồn xăng và khống chế lửa. Trong lúc phun bọt,đã 2 lần Hoàng Anh phải chạy vào Bệnh viện 108 gần đó để rửa mắt vì bị sặc khói và ngộ độc xăng. Được sơ cứu xong, Hoàng Anh lại ra hiện trường cùng đồng đội dập lửa."Lúc thấy đồng đội bị thương em chỉ nghĩ bằng mọi giá dập tắt được đám cháy, không để nó lan tới khu dân cư", Anh nói. Sau 4 tiếng chiến đấu với biển lửa, Hoàng Anh vào viện trong tình trạng ngất xỉu.
Nguyễn Huyền Anh, chị gái của Hoàng Anh chia sẻ, nhận tin em bị nạn, cả gia đình hoảng hốt. Trong lúc 8 chiến sĩ khác đã tỉnh, Hoàng Anh vẫn mê man vì có nguy cơ bỏng đường hô hấp. Mọi người trong gia đình lo vết thương của anh có thể để lạidi chứng. Theo gia đình, trước khi đến với nghề, Hoàng Anh đã bỏ học trường cao đẳng công nghệ thông tin. Gia đình một mực phản đối vì lính phòng cháy chữa cháy vất vả và nguy hiểm, song Hoàng Anh vẫn quyết tâm. "Cậu ấy dự định tháng 7 này sẽ thi vào ĐH Phòng cháy chữa cháy nhưng giờ sức khỏe thế này thì làm sao ôn thi được", người chị lo lắng. 2 năm dấn thân với nghề, chữa cháy không biết bao nhiêu vụ nhưng Hoàng Anh bảo đây là vụ để đời. Từ khi xảy ra vụ việc đến chiều 4/6, anh nhận được khá nhiều lời động viên và chia sẻ trên Facebook cá nhân. "Nếu sợ hãi thì không thể làm được nghề này”, Hoàng Anh cười hiền nói. | ||||||